Bài tập chào mặt trời – Sun Salutation
BÀI TẬP CHÀO MẶT TRỜI [Sun Salutation]
Bài tập Chào mặt trời bao gồm một chuỗi các động tác yoga được phối hợp nhịp nhàng với hơi thở, bài tập tưởng chừng rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tuyệt vời cho những ai kiên trì tập luyện đều đặn hàng ngày.
Khi tập bài chào mặt trời, toàn bộ cơ thể từ hệ cơ, xương, khớp đến dây chằng đều được vận động và làm ấm nóng. Từ đó tăng sự dẻo dai của cơ thể, kích thích hệ tuần hoàn, hệ hô hấp hoạt động tốt hơn, kích thích chức năng hoạt động của các tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể. Đặc biệt bài tập mang lại trạng thái cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bài tập Chào Mặt Trời thường được thực hành vào buổi sáng như một cách để chào đón một ngày mới. Bài tập bao gồm 12 bước, mỗi tư thế được thực hiện đồng bộ với hơi thở. Một hơi hít vào và thở ra sẽ bắt đầu và kết thức bằng một tư thế.
HƯỚNG DẪN TẬP:
Bước 1: Chuẩn bị: Đứng thẳng người, 2 chân khép, 2 tay chắp lại, để trước ngực. Hít vào 1 hơi thật sâu bằng mũi (bụng và ngực phình lên). Thở ra hết bằng mũi (bụng hóp lại để đẩy hơi ra hết)
Bước 2: Hít vào đồng thời vươn cao 2 tay lên qua đầu, ngả người ra đằng sau, hông đẩy ra phía trước.
Lưu ý:
– Nếu có vấn đề về cổ vai gáy (bị thoái hóa, đau,mỏi…), không nên ngả đầu ra phía sau mà vẫn giữ cổ thẳng, nhìn ra phía trước.
– Nếu có vấn đề về lưng (đặc biệt đau vùng thắt lưng) không nên ngả người ra đằng sau mà chỉ cần vươn người lên cao.
Bước 3: Thở ra đồng thời gập người xuống, cố gắng gập người càng sát chân càng tốt, đầu gối thẳng. Cảm nhận sự căng giãn phần từ sau đùi tới gót chân.
Lưu ý:
– Có thể chùng đầu gối một chút nếu vùng lưng bị đau hoặc mỏi.
Bước 4: Hít vào đồng thời đưa chân phải (chân trái) ra phía sau xa nhất có thể, hạ đầu gối phải (trái) xuống thảm tập, ngửa cổ nhìn lên. Cảm nhận sự căng dãn ở phía trước khớp háng.
Bước 5: Nín thở, đưa chân trái (chân phải) ra phía sau cạnh chân phải (chân trái).
Lưu ý:
– Vai ở ngay trên cườm tay.
– Người thẳng từ gót chân tới đầu.
– Không buông lỏng người ở tư thế này.
Bước 6: Thở ra đồng thời hạ đầu gối, ngực và trán xuống thảm.
Lưu ý:
– Hông vẫn ở phía trên.
– Ngực hạ xuống giữa 2 tay.
– 2 khuỷu tay khép lại sát thân.
Bước 7: Hít vào đồng thời trườn phần thân trên và đầu lên cao, ngửa cổ nhìn lên.
Lưu ý:
– Từ hông trở xuống chạm thảm, 2 gót chân khép sát nhau.
– Vai nhấn xuống, đẩy cổ vươn lên.
Bước 8: Thở ra đồng thời chống 2 chân xuống thảm và đẩy hông lên phía trên, ra sau.
Lưu ý:
– 2 đầu gối thẳng.
– 2 gót chân chạm thảm.
– Lưng và tay tạo thành đường thẳng.
Bước 9: Hít vào đồng thời đưa chân phải (trái) lên, đặt giữa 2 tay, hạ đầu gối trái (phải) xuống thảm, ngửa cổ nhìn lên. Cảm nhận sự căng giãn ở phía trước khớp háng.
Bước 10: Thở ra đồng thời đưa chân trái (phải) lên cạnh chân phải (trái), người gập sát chân.
Bước 11: Hít vào đồng thời vươn người lên, ngả ra sau (tương tự bước 2)
Bước 12: Thở ra 2 tay chắp lại, trước ngực.
Làm lại tương tự từ bước 1 tới bước 12 với bên trái (trong ngoặc) là bạn đã kết thúc 1 vòng của bài Chào Mặt Trời.
Tham khảo thêm video hướng dẫn:
Chú ý:
– Quan sát hơi thở và cảm nhận sự thay đổi trong cơ thể mình qua từng động tác. Tránh để tâm trí bị sao lãng bởi bất cứ điều gì khác.
– Cố gắng lấy hơi hít vào và thở ra khớp với từng động tác. Nếu là người mới tập và chưa thuộc động tác thì bạn chỉ cần hít thở một cách tự nhiên, khi đã nhuần nhuyễn bạn sẽ dần điều hòa và kết hợp được hơi thở với động tác.
– Hít và thở bằng mũi. Cố gắng hít vào sâu và đầy nhất có thể, thở ra thì cũng cố gắng thở ra hết.
– Tập chậm rãi để cảm nhận động tác tốt hơn và hơi thở dài, sâu hơn.
– Tập theo khả năng của cơ thể, luôn lắng nghe cơ thể, không nên nóng vội ép cơ thể quá mức khi nó chưa sẵn sàng. Mỗi ngày một chút cơ thể bạn sẽ dần quen và mềm dẻo hơn, dễ dàng thực hiện động tác hơn.
Khi thực hiện được theo các chú ý trên, tức là bạn đang thực hành thiền trong từng động tác của yoga.
Nếu quỹ thời gian không nhiều, bạn có thể thực hành bài chào mặt trời vào bất cứ thời gian rảnh rỗi nào trong ngày, vì mỗi lần tập dù chỉ từ 5 đến 10 phút (tương đương từ 5 đến 10 vòng) cũng đủ để giúp cơ thể và tinh thần được thư giãn, mang lại năng lượng và sự cân bằng. Tuy nhiên, thời gian tốt nhất để bạn thực hành vẫn là buổi sáng sớm (sau khi thức dậy).
Có thể bạn quan tâm: Chuỗi chào mặt trời – 5 lý do quan trọng để bạn không nên bỏ qua
Bạn đã thử tập bài tập này chưa? Cảm giác của bạn thế nào? Hãy để lại cảm nhận của bạn vào khung bình luận phía dưới, chúng ta sẽ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm để giúp nhau cùng tiến bộ nhé!
Mình đã và đang học YOGA .Phải nói là những bài tập trong YOGA giúp mình cảm thấy năng lượng trong cơ thể cải thiện rất tốt,nhất là đối với bài tập ” Chào Mặt Trời” .Mình nhận thấy khi tập đúng bài tập này cơ thể mình khỏe hơn, tinh thần sảng khoái và hưng phấn nhiều hơn mặt dù mình tập vào những giờ sau giờ tan sở.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn, nó sẽ giúp mình và các bạn khác quyết tâm và cố gắng hơn nữa trong việc luyện tập và theo đuổi yoga 🙂
Felt so hopeless looking for answers to my qu..sionte.suntil now.
Mặc dù mình tập Yoga đã lâu nhưng bây giờ mới cảm nhận được sự kỳ diệu của chuỗi Chào mặt trời. Cám ơn
Ngày mới tập yoga mình rất sợ chào mặt trời, bây giờ thì rất thích vì khi tập xong chuỗi bài này cảm thấy cơ thể thật tuyệt, máu chảy rần rần trong cơ thể, mồ hội tuôn ra đầm đìa, thật sảng khoái
Xin chào, mình biết bài Chào mặt trời lâu rồi nhưng chưa tập được vì lý do khi tập 1 vòng (chân trái dưa về phía sau, sau đó đến chân phải) thôi nhưng có cảm giác khiến mình rất sợ, như bị bệnh, nó là thế này:
– Người nóng rần lên, chưa đổ mồ hôi nhưng thấy ớn lạnh;
– Cảm thấy đuối như hết sức.
Không biết do cơ địa mình ko phù hợp hay đó là phản ứng gì nên sợ ko tập nữa. Mong được Vietnamyoga và các bạn có kinh nghiệm tập hướng dẫn giúp. Xin cảm ơn.
Chào bạn,
Theo như kinh nghiệm của mình có thể bạn bị huyết áp thấp. Hãy kiểm tra sức khoẻ và đo lại huyết áp để có nhưng bài tập phù hợp với thể trạng sức khoẻ của mình. Với những động tác cúi gập người như Tư thế Con cò trong chuỗi asanas Chào mặt trời, bạn nên lưu ý không cúi đầu thấp quá, thay vì đó bạn hãy ngẩng đầu lên một chút và thoát tư thế sớm. Với động tác ngả sau cũng vậy, không ngửa sâu và chỉ nên giữ tư thế theo khả năng có thể. Chúc bạn thành công và có một sức khoẻ tốt! Namaste!